top of page
Search
  • ieltsvuikhoe

ĐỘNG LỰC HỌC TIẾNG ANH TỪ ĐÂU MÀ RA



Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, mình bị liệt vào hàng “tụt gốc” Tiếng Anh. Không phải mất gốc, mà là gốc tụt hẳn vào bên trong. Lúc đó đã là đầu năm lớp 9. Mình học chuyên Văn, ngày đêm chỉ mải mê bình luận văn học, chữ của Tố Hữu Xuân Diệu học còn chưa thuộc nổi, lấy đâu tâm trí nhớ Anh này Anh kia. Thời đó Anh văn chưa phổ biến đại trà như bây giờ, và IELTS là một khái niệm xa xỉ, đặc biệt với những cô cậu tỉnh lẻ như mình. Ai có điều kiện thì đi học trung tâm, khá nữa thì được lên Sài Gòn luyện thi lấy IELTS để đi du học. Sống ở ao làng nên mình không biết việc 15 tuổi còn chia sai động từ số ít số nhiều là một thực trạng đáng báo động. Lúc đó vẫn cứ nghĩ thôi từ từ học, lên Đại học ở Xì Phố rồi học sau, như ba má mình có chữ Tiếng Anh nào đâu mà cũng ổn định công việc. Thôi từ từ …


Nửa năm sau, thì mình hết “từ từ”. Kì thi chuyển cấp gần kề, và tụi mình phải lựa chọn trường Cấp ba để thi vào. Ở tỉnh mình chỉ có duy nhất một ngôi trường chuyên, nhà nhà, người người đều mơ ước vào, tỉ lệ chọi vì vậy rất cao. Nhưng cái mình lo nhất là môn chuyên. Hơn 4 năm học Văn cấp hai làm mình ngán ngẩm bạc cả tóc, và mình cũng đã mơ hồ nhận ra sự chuyển mình của xã hội, khi Tiếng Anh sớm trở thành xu thế. Giây phút điền tờ đơn đăng kí thi chuyên Anh vào lớp 10, mình không ngờ đã thay đổi cuộc đời mình, một cuộc cách mạng, gần như vậy.


Từ nền tảng không biết chia động từ năm 16 tuổi, tới một số thành quả nhỏ nhoi như hiện tại, quả là một hành trình - một lộ trình bị ăn hành. Các loại hành mình đã ăn được tóm tắt lại dưới đây.


1. PHONG BA BÃO TÁP KHÔNG BẰNG NGỮ PHÁP NƯỚC NGƯỜI TA

Trong bài test đầu vào của lớp luyện Tiếng Anh, mình chỉ đạt 4 điểm, trong đó 2 điểm nhờ vào lụi và ăn ở tốt. Ngày nhận kết quả, mình hơi bật ngửa vì không nghĩ lại kém cỏi vậy. Mà chỉ là trắc nghiệm ngữ pháp và từ vựng cơ bản, mình vẫn làm sai. Cô giáo dạy luyện thi ngán ngẩm “Con mất gốc nặng quá, sợ không theo kịp các bạn.” Mình đã suýt khóc huhu trước mặt cô. Còn 6 tháng nữa đến kì thi đầu vào lớp chọn, và có một thí sinh còn chưa chia đúng động từ. Nghe là thấy rớt từ vòng chưa gửi xe rồi. Nhưng lúc đó mình đã quyết chuyển hướng, và quay đầu thì cũng hết là bờ luôn, nên mình cắn môi, nói với cô “Cô cứ cho con học, con sẽ cố gắng. Con hứa.”


Đúng hơn là mình tự hứa với bản thân mình. Sau bữa đó, ngày nào mình cũng về học ngữ pháp trong bộ sách của cô Mai Lan Hương, cẩm nang bất hủ của học sinh ngày đó. Học tới điểm văn phạm nào mình làm trắc nghiệm tới đó, chủ yếu để tạo phản xạ. Làm nhiều quá không đủ thời gian, mình chơi luôn chiêu chép đán án một lượt, rồi tự tổng hợp thông tin dựa trên đáp án. Ví dụ cứ thấy “ago”, “last month/ year” là đáp án ở thì quá khứ đơn, rồi câu nào có “Since” là chia thì hiện tại hoàn thành. Mình kết hợp giữa làm bài và tổng hợp đáp án để nhớ ngữ pháp hơn thay vì phải ngồi học một mớ công thức. Hiệu quả phết, mặc dù không biết ứng dụng thế nào nhưng ít ra mình đã hết phải loay hoay khi nghĩ về ngữ pháp.


2. HỌC TỪ VỰNG

Học xong ngữ pháp mới biết đó chỉ là trailer cho bộ phim 1001 đêm mất ngủ vì học Anh văn. Văn phạm tính ra cũng gói gọn trong bao nhiêu đó chủ điểm, trong khi từ vựng thì cả một đại dương. Biết được một chữ đã mừng, nay còn phải biết “family” của nó, rồi bạn bè nó, đối thủ của nó. Theo lời tư vấn của cô giáo, tôi mua bộ sách Vocabulary in use. Cuốn sách này tới bây giờ vẫn là cẩm nang mình dùng để dạy từ vựng cho học sinh của mình. Bộ sách chia ra theo trình độ, và mỗi trình độ sẽ có các chủ đề tương thích, nghĩa là không phải bạn cần biết hết mọi chủ đề nhưng có những chủ đề, bạn không thể không biết ở trình độ của mình. Cuốn sách đã mở ra cho mình một chân trời mới về từ vựng, đặt nền tảng để mình biết rằng ở tuổi 16, mình đã biết viết và nói Tiếng Anh, chu choa ba mạ ơi.


3. HỌC ĂN HỌC NÓI HỌC GÓI HỌC NGHE

So ra thì trong các kĩ năng, mình sợ nghe và nói nhất. Gốc gác dân Văn cho mình khả năng viết bài tạm ổn, và cũng không bị bỡ ngỡ với các bài đọc dài. Khi đi dạy, mình để ý phần lớn học viên cũng gặp vấn đề tương tự, đó là bị mắc kẹt với Listening và Speaking. Cô giáo mình lúc đó (lại là cô giáo mình, mình không biết diễn tả đâu cho đủ lòng biết ơn cô) đã nói “Hãy bắt đầu nghe và nói cái gì con thấy gần gũi nhất.” Và mình bắt đầu bằng nghe nhạc US-UK, vì mình vốn thích âm nhạc từ bé, Dĩ nhiên là chả nghe được gì vào những ngày đầu, 3 phút bài hát thì mình nhìn lyrics hết 2 phút 59, chỉ trừ chỗ nào có Oh yeah baby là nghe ra :D Nhưng ngày nào mình cũng nghe, nghe lúc đi tắm, nghe lúc ăn, trước lúc ngủ, nghe riết tới độ một ngày đẹp trời, mình bần thần phát hiện mình đã biết ca sĩ hát gì dù không nhìn chằm chằm vào lyrics. Cảm giác ấy thật yomost. Có chút tự tin ban đầu, mình mới thử nghe các tài liệu học thuật hơn. Thời đó muốn nghe phải mua sách và bỏ vô CD vô Radio đọc. Bây giờ chỉ cần một cú click chuột, bạn tha hồ truy cập các tài liệu nghe miễn phí. Nếu là youtube thì mình đề xuất TedEd, chỉ tầm dưới 5p cho một bài nói chuyện nhưng bạn học được rất nhiều từ vựng, nghe thú vị và không bị ngán, có thể nghe cả ngày không thấy mệt. Hoặc trang VOA Learning English cũng tuyệt vời, bài nghe theo dạng bản tin, giọng đọc rõ ràng, văn phong sắc sảo. Nghe người ta nói hay thì mình cũng muốn nói hay y vậy, thế là lan sang động lực học cả Speaking. Làm gì có trường lớp nào đủ thì giờ cho học sinh nói thoải mái, tìm người nước ngoài thì không đủ tiền, thế là mình quyết định tự nói tự nghe luôn. Mình giả đò cầm chai nước làm Micro, tự soạn các chủ đề nói mình thích, tưởng tượng như thể mình là diễn giả vậy. Lúc đó chả quan tâm gì tới phát âm, cứ nói càng, nói dài, miễn đó không phải tiếng Việt là được. Nhờ vậy mà mặc dù mình nói không hay như một số bạn có cơ hội học nói từ bé, mình rất tự tin và lưu loát trong cách diễn đạt. Với các học sinh của mình bây giờ, mình cũng tâm niệm “Nói hay không bằng hay nói”. Kĩ năng Speaking chỉ phát huy hiệu quả nhất khi bạn mạnh dạn sử dụng để diễn đạt và truyền tải thông điệp. Đừng để sai phát âm nhiều dẫn đến người ta hiểu sai thông điệp và cố gắng nắm rõ những quy tắc phát âm cơ bản là được, còn lại thì cứ để gió cuốn đi :D


4. LỜI KẾT

Mình vẫn còn giữ những sticky notes của 10 năm trước, khi mình dán đầy nhà những tuyên ngôn “IELTS 7.0”, “Phải đậu lớp chuyên Anh”, “Phải đi du học”. Chắc mình ăn ở tốt,nên nỗ lực nào cũng được đền đáp. Nghỉ giữa hiệp của quá trình ăn hành, mình đã đậu vào lớp chuyên Anh (dù là chót bảng), cũng lượm lặt được vài giải thưởng cấp tỉnh và khu vực miền Nam, cũng đạt IELTS 7,.0 và sau này là 8.0, cũng đã đi du học (dù chưa đi thật xa đã vội trở về), cũng được học ở môi trường quốc tế, và cũng một ngày, trở thành chị giáo Hà Hương, nhu cách thân mật các bạn học viên hay gọi mình. Ai rồi cũng sẽ thành phiên bản nào đó mà mình mơ ước, phải không, chỉ là mình có đủ động lực. Cố lên 500 anh em, quân tử trả thù 10 năm chưa muộn.


23 views0 comments

Recent Posts

See All
Post: Blog2 Post
bottom of page